Chuyện mẹ chồng nàng dâu là chủ đề muôn thuở của mỗi gia đình, nhiều chị em phụ nữ nghĩ đến cảnh sống chung với mẹ chồng lại có chút e ngại, cũng có nhiều mẹ chồng cảm thấy không thoải mái khi ở cùng con dâu. Nhưng nếu cả hai không thể sống hòa thuận thì gia đình liệu có hạnh phúc? Hãy cùng tìm hiểu 7 nguyên tắc quan trọng giúp mẹ chồng và nàng dâu luôn thuận thảo và hòa hợp trong gia đình nhé!

Đừng để kết hôn rồi mới “gỡ rối”
Cách để mẹ chồng nàng dâu ít xảy ra mâu thuẫn nhất khi về chung một nhà chính là các nàng nên tìm hiểu về gia đình chồng trước khi kết hôn. Trong quá trình quen nhau, nàng nên dò hỏi bạn trai của mình về mẹ chồng để hiểu được tính cách của mẹ chồng, sở thích và những điều mà mẹ chồng không hài lòng để có thể biết trước và cân nhắc làm thế nào để sống hòa thuận.
Bạn đừng bao giờ chờ kết hôn rồi mới “gỡ rối”, khi về chung một nhà với mẹ chồng mới bắt đầu tìm hiểu, lúc này bạn sẽ rất dễ bị mất điểm trong mắt mẹ chồng. Hơn nữa, trong quá trình tìm hiểu về gia đình chồng trước kết hôn, bạn cũng có thể có thêm những tiêu chí đánh giá cho bản thân trước khi quyết định có nên kết hôn hay không.
Ví dụ, hãy thử hỏi bạn trai về việc mẹ của anh ấy thích ăn món gì, có thói quen dậy sớm nấu bữa sáng hay không và mẹ anh ấy thích kiểu con dâu như thế nào. Biết trước và hiểu rõ về mẹ chồng, bạn sẽ có thể tạo thiện cảm từ lần gặp đầu tiên. Đặc biệt, trong những ngày đầu về làm dâu, nếu bạn luôn thể hiện tốt với mẹ chồng, hiểu rõ những điều bà ấy cần thì những ngày tháng sau này chắc chắn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Mẹ chồng có giống mẹ đẻ hay không?
Nhiều nàng thường trách vì sao mẹ chồng không thương mình như mẹ đẻ, nhưng lại quên mất việc phải xem mẹ chồng như mẹ đẻ. Khi bạn thật sự quan tâm, yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột, điều này không chỉ giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết mà còn ghi điểm trong mắt chồng.
Một số gợi ý để bạn có thể ghi điểm trong mắt mẹ chồng như: thỉnh thoảng hãy mua cho mẹ chồng một món quà nhỏ (quần áo, món ăn mẹ chồng thích, một chiếc khăn, một dụng cụ làm bếp, một đôi giày vừa size…); hoặc bạn có thể tự tay xuống bếp nấu một vài món ngon để đãi cả nhà vào cuối tuần; dẫn mẹ chồng đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng khi có dịp đặc biệt… Tất cả những hành động nhỏ cũng đủ để mẹ chồng thấy ấm lòng và hiểu được bạn cũng yêu thương và tôn trọng bà ấy rất nhiều.
Xem thêm >>> DIỄN ĐÀN HỢP TÁC, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – ASEAN VÀ VINH DANH THƯƠNG HIỆU VÀNG ASEAN NĂM 2022 TẠI SINGAPORE
“Cầu cứu” chồng trong mỗi cuộc tranh cãi với mẹ chồng liệu có đúng?
Nếu trong trường hợp bạn và mẹ chồng gặp những vấn đề dẫn đến mâu thuẫn và chưa tìm được cách giải quyết, bạn đừng vội nói điều này với chồng và buộc anh ấy phải giải quyết. Cách tốt nhất chính là thử ngồi xuống và nói chuyện nhẹ nhàng với mẹ chồng để tìm ra nguyên nhân của vấn đề, bạn có thể chủ động giảng hòa bằng một món quà nhỏ hoặc chia sẻ một cách chân thành về những điều bạn nghĩ với mẹ chồng.
Bạn nên hạn chế việc lôi chồng vào mỗi cuộc cãi vã giữa mẹ chồng nàng dâu, bởi điều này không chỉ khiến chồng mệt mỏi mà còn khiến mẹ chồng cảm thấy khó chịu. Thử tưởng tượng bạn trong tình huống con trai ruột của mình lại vì vợ mà nói lời tổn thương mình, chắc chắn bạn sẽ buồn rất nhiều, lúc này hình ảnh con dâu trong mẹ chồng cũng không còn được tốt đẹp như trước.
Do đó, hãy tự mình giải quyết vấn đề trước, nếu thật sự khó khăn và không thể nói chuyện, bạn cũng có thể chia sẻ với chồng để anh ấy chỉ bạn cách làm mẹ chồng nguôi giận, nhưng điều này không có nghĩa là anh ấy sẽ đứng ra giải quyết, đó nên là cuộc chia sẻ trong im lặng giữa hai vợ chồng.
Một điều nhịn, chín điều lành
Mẹ chồng nàng dâu thường xảy ra xung đột khi cả hai đều không chịu nhường nhau, khi ai cũng muốn giành phần thắng về bản thân. Tuy nhiên, lúc này, khi cả hai đều muốn là người thắng cuộc thì hạnh phúc gia đình sẽ dễ dàng bị rạn nứt. Mặc dù trong xã hội hiện tại, chúng ta luôn được khuyến khích bày tỏ quan điểm và thẳng thắn với mẹ chồng, nhưng điều này sẽ tốt hơn nếu bạn chịu nhường một bước trong mỗi cuộc tranh luận.
Hãy nghĩ rằng mẹ chồng cũng giống như mẹ ruột của mình, khi mẹ nổi giận, con cái sẽ chọn cách im lặng để lắng nghe nỗi lòng của bố mẹ và khi mẹ nguôi giận, chúng ta sẽ lại ngồi xuống và chia sẻ quan điểm của đôi bên. Như vậy, bạn vừa có thể gìn giữ hạnh phúc gia đình, vừa có thể đảm bảo rằng cả hai mẹ con đều thấu hiểu nỗi lòng của nhau. Hãy hạn chế việc tranh luận đến cùng cùng mẹ chồng khi bà ấy đang nổi giận bạn nhé.
Lắng nghe nhiều hơn nói
Lắng nghe nhiều hơn nói là bí quyết để mẹ chồng nàng dâu thêm gắn bó và thấu hiểu nhau hơn. Ai trong chúng ta cũng không phải là một người hoàn hảo, vì vậy hãy biết tha thứ cho những thiếu sót của nhau và cùng nhau trở nên tốt hơn mỗi ngày. Đặc biệt, trong một gia đình, khi mẹ chồng nàng dâu cùng nhau lắng nghe và chia sẻ, mọi vấn đề đều được giải quyết hiệu quả.
Vì người lớn thường sẽ có những quan điểm khác với người trẻ, ta thường gọi đó là khoảng cách thế hệ, tuy nhiên, chung quy những điều người đi trước muốn nhắc nhở cũng chỉ vì muốn tốt cho con cái. Bạn hãy lắng nghe, tiếp thu những ý tốt và có điều gì chưa phù hợp, hãy chọn lúc thích hợp để giải bày cùng họ. Tránh phản bác điều mẹ chồng nói ngay khi bà vừa dứt lời.
Học cách tạo bất ngờ

Bất kỳ ai cũng mong muốn nhận được sự yêu thương và chăm sóc từ con dâu, đó cũng sẽ là niềm tự hào để bà có thể đi kể với những người bạn của mình. Do đó, bạn hãy thử tạo bất ngờ cho mẹ chồng vào những dịp đặc biệt, chẳng hạn như vào dịp sinh nhật, hãy làm một buổi tiệc bất ngờ với sự có mặt đầy đủ của những người mà mẹ yêu thương, trông ngóng.
Bạn cũng có thể dành tặng các món quà nhỏ vào dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày của mẹ…
Xem thêm >>> LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU VÀNG
Học cách khen và không ngại xin ý kiến
Một lời khen thiện chí sẽ khiến người nghe vui vẻ cả ngày, bạn hãy thử áp dụng điều này với mẹ chồng xem sao nhé. Chẳng hạn, bạn khen mẹ mặc chiếc áo này thật đẹp, đôi giày rất hợp với mẹ, tóc mới của mẹ rất hợp với gương mặt… Điều này sẽ cho thấy rằng bạn có quan tâm đến mẹ chồng và giúp tâm trạng của cả hai tốt hơn.
Ngoài ra, việc xin ý kiến của mẹ chồng là một trong những điều quan trọng mà bạn cần ghi nhớ. Thỉnh thoảng, hãy thử hỏi ý kiến mẹ chồng rằng nếu con mua món đồ này, hay chọn chiếc váy kia thì mẹ nghĩ có hợp với con không… Những lần hỏi xin ý kiến nhỏ nhặt vậy thôi cũng sẽ giúp mẹ chồng cảm thấy bạn có thật sự quan tâm đến cảm xúc của bà và bà cũng quan trọng đối với bạn. Đặc biệt, khi bạn có việc cần ra ngoài vào cuối tuần cùng bạn bè hoặc tụ hợp có việc riêng, đừng quên nói qua với mẹ chồng để bà ấy cảm thấy được tôn trọng.
Hy vọng với những chia sẻ về 7 bước cải thiện tình cảm mẹ chồng nàng dâu trong bài, bạn đã có được những thông tin hữu ích. Chúc bạn và mẹ chồng sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp để gia đình luôn hòa thuận và hạnh phúc. Hãy đón đọc thêm nhiều bài viết về phụ nữ và gia đình trên trang TheWoman bạn nhé!

Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin thewoman.vn.
Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.thewoman@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!