Người trưởng thành không thích chia sẻ trên mạng xã hội

Việc sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lý cũng thể hiện sự chín chắn của một người trưởng thành. Có ai từng có trải nghiệm như vậy chưa?

Bạn chỉnh sửa rất lâu nội dung đẩy lên trang cá nhân và nghĩ rằng sẽ nhận được nhiều phản hồi từ bạn bè, nhưng rút cuộc chẳng ai vào hỏi han hay bình luận?

Bạn cẩn thận lựa chọn những bức ảnh nghĩ là đẹp nhất, đưa lên trang cá nhân, nhưng chỉ có vài lượt thích, đa phần là người thân. Và rồi những dòng trạng thái của bạn bị nhấn chìm trong dòng chảy xiết của mạng xã hội, chẳng mấy ai để tâm?

Mạng xã hội có tác động không nhỏ tới cuộc sống hiện nay của nhiều người. Ảnh: shutterstock.

Blogger nổi tiếng Trung Quốc có nickname XueLuoWu cũng có trải nghiệm tương tự.

Trước đây cô rất thích chia sẻ cuộc sống của mình lên trang cá nhân. Mỗi ngày cô thường cẩn thận sửa từng bức ảnh và xem đi xem lại những nội dung chuẩn bị đẩy lên. Khi đăng lên, Xue mong nhận được nhiều lượt yêu thích và bình luận. Nhưng nếu bài viết chỉ được vài like, một diễn biến tâm lý tồi tệ hình thành. “Có phải bạn bè đang chặn tôi?” “Bức ảnh, câu nói đó của tôi có phải quá tệ không?”.

Có lần, XueLuoWu vì chán nản đã đăng thông báo tìm người cùng đi du lịch. Nhưng cả ngày, chẳng ai phản hồi, tâm trạng của cô rơi xuống cực điểm. Cô hỏi một người bạn có đọc được dòng trạng thái đó không. Người này chống chế: “Dạo này bận quá, tôi không vào mạng xã hội”. Từ đó, nữ blogger nhận ra, vòng tròn bạn bè trên trang cá nhân bấy lâu nay dày công tạo dựng thực ra chẳng mấy ai thực lòng.

XueLuo Wu rất thấm thía câu nói: “Mạng xã hội giống như một con phố nhộn nhịp, có người trò chuyện, có người khoe con cái, có người thể hiện tình cảm, và có đủ loại hàng quán. Nó rất sống động khi bạn bước vào đó, nhưng sau khi dạo quanh, bạn sẽ thấy sự sống động chỉ là thoáng qua, và sự cô đơn vẫn luôn ngự trị”.

Một người bạn của nhà văn Long Vĩ Bình, Trung Quốc từng hỏi ông: “Mỗi lần tôi đăng trạng thái trên trang cá nhân, nhận được rất ít lượt thích. Có phải tôi là một người thất bại không?”. Long hỏi ngược lại: “Vậy bạn biết đăng điều gì sẽ được nhiều người ưa thích nhất không?”. Người bạn lắc đầu, nhà văn nói tiếp: “Đó là những chuyện không may mắn của bạn”.

“Lời nói này tuy đau lòng nhưng lại rất chân thật. Ngoài sự quan tâm thực lòng của bạn bè tốt, thì vòng tròn bạn bè trên trang cá nhân chỉ là một lễ hội hóa trang nhiều khán giả”, Long Vĩ Bình nói. Theo nhà văn này, có một điều chắc chắn là, sẽ có người thật lòng quan tâm những vấn đề khó khăn của bạn; nhưng cũng không ít người coi đó là sự tiêu khiển và cảm thấy hả hê mỗi khi bạn nói lên nỗi lòng của mình trên mạng xã hội.

Có một khái niệm về “tự cho mình là trung tâm” trong tâm lý học. Có nghĩa là mọi người đều chỉ nhìn nhận thế giới từ góc riêng của mình, khó nhận ra góc nhìn của người khác.

Cảm xúc của bạn, tức giận hay buồn bã, có thể chỉ là giả tạo trong mắt người khác. Những hiểu biết và kiến thức của bạn có thể chỉ là sự phô trương trong mắt người khác. Niềm vui và nỗi buồn của con người không giống nhau, bởi vậy khó có được sự thấu hiểu, chứ chưa nói đến sự đồng cảm.

“Sự thực phũ phàng nhất cuộc đời này chính là người muốn bạn sống tốt rất ít, còn người muốn chế nhạo bạn lại rất nhiều”, Trương nói.

Xem thêm >>> CHẠY BỘ CÓ THỂ GÂY MÒN RĂNG?

mxh 2
Nam diễn viên Vương Khải của Trung Quốc. Ảnh: xinhuanet

Khi nam diễn viên Vương Khải (Trung Quốc) được hỏi tại sao không hoạt động gì trên trang cá nhân, anh trả lời trước đây cũng thường chia sẻ cảm xúc cho mọi người biết, nhưng người dùng mạng xã hội ngày càng tăng, giờ phải cẩn trọng. “Trước đây, vòng tròn bạn bè chỉ là bạn bè nhưng giờ nó đã thành một xã hội thu nhỏ”, Vương nói. Có nhiều điều không thích hợp để chia sẻ với đám đông nữa, khi đó im lặng trở thành lựa chọn tốt nhất.

Nam diễn viên chia sẻ, anh có hơn 2.000 người bạn trên mạng nhưng chưa đến 20 người là bạn thực sự. Vì vậy anh đã xóa mọi dòng trạng thái trước đó và ngừng đăng tải thông tin lên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên theo Vương Khải, thoát khỏi vòng tròn bạn bè không có nghĩa là thờ ơ với người khác. Khi biết bạn bè đoạt giải thưởng hay cần sự giúp đỡ, anh không bao giờ vắng mặt, thường gửi tin nhắn chúc mừng hoặc hẹn gặp.

Vương cũng chia sẻ gần đây có cuộc hẹn với một người chị lâu không gặp, thấy người phụ nữ này sút cân nhiều, gương mặt hốc hác. Sau khi trò chuyện mới biết, cô vừa ly hôn và mất việc bởi dịch bệnh. Vương hỏi người chị sao không chia sẻ chuyện này với mọi người, cô trả lời: “Tôi cũng định chia sẻ, nhưng lại nghĩ con người sau tất cả, phải học cách tự gánh vác”.

Xem thêm >>> VIẾT BÀI ĐĂNG BÁO – GIẢI PHÁP PR TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ CHO DOANH NGHIỆP

Người phụ nữ cho rằng với người trưởng thành, thay vì mang chuyện cá nhân lên mạng xã hội cho thiên hạ biết, trước tiên nên tìm cách giải quyết. Cô hiểu rằng, đăng ảnh, chia sẻ bài viết, bình luận dạo không giúp cho tình trạng khó khăn được cải thiện.”Càng trưởng thành càng nên im lặng. Tất cả những giông bão trong cuộc đời, dù muốn hay không, cuối cùng cũng nên tự mình vượt qua”.

Người dẫn chương trình nổi tiếng Hà Cảnh của Trung Quốc từng nói: “Sự im lặng của người trưởng thành chính là sự khôn ngoan sau khi nhìn được thăng trầm của thế gian. Thay vì vất vả biểu diễn trước đám đông, tốt hơn hết nên đặt cảm xúc của mình vào chế độ im lặng, và tiến về phía trước cũng trong im lặng”.

Dẫu biết rằng mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong thời đại ngày nay, nhưng cũng không nên coi nó như một mảnh đất để giải tỏa cảm xúc. Bởi việc này chỉ khiến chúng ta mãi mãi là những đứa trẻ, vui buồn vô tư, vô lo vô nghĩ. “Trong khi đó, người trưởng thành thì luôn hành động theo lý trí và học cách kiểm soát cảm xúc”, Hà Cảnh nói.

(Vnexpress)

Rate this post