Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài thướt tha với đôi tay uyển chuyển, đang chăm chú viết từng nét thư pháp đã dần trở thành hình ảnh quen thuộc suốt gần 10 năm nay. Cô là Trần Thị Thanh Hương, mọi người thường gọi cô một cách trìu mến là “Bà đồ hào phóng’, bởi cô chỉ viết thư pháp để tặng chứ không bán. Thậm chí, cô còn dành tặng tác phẩm của mình để đấu giá gây quỹ từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Câu chuyện về cuộc đời của “Bà đồ hào phóng“
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Long An, một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cô Thanh Hương mang dáng vẻ chân chất với giọng nói dịu dàng và nụ cười ấm áp. Tâm sự về lý do say mê thư pháp, cô chia sẻ: “Cô đam mê thư pháp từ những ngày còn trẻ, mỗi lần đi ngang những nơi có người viết thư pháp là cô đứng lại nhìn rất lâu, nhìn từng nét, từng nét rồi tự mình mua dụng cụ về mày mò tập”. Niềm đam mê ấy cứ dần dà lớn hơn và cô cũng bắt đầu ấp ủ ước mơ được trở thành một bà đồ chuyên nghiệp.
Thế nhưng, cuộc sống dường như chẳng hề dễ dàng với cô Thanh Hương. Năm 1998, biến cố lớn xảy ra với gia đình đình nhỏ của cô. Mọi gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền đã đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé. Và cũng bởi thế, cô đã phải tạm gác lại niềm đam mê với thư pháp để tập trung chăm sóc cho đứa con gái nhỏ.
Nếu không có dịp được trò chuyện cùng cô, sẽ ít ai biết được rằng, “Bà đồ hào phóng” mà mọi người vẫn thường gọi lại có một cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm đến vậy. “Cô thường ít khi kể cho người khác nghe về nỗi khổ của mình vì cô biết cô còn may mắn hơn rất nhiều người khác”. Thật vậy, cô Thanh Hương vẫn luôn rất lạc quan trước bão tố cuộc đời. Cô luôn muốn lan tỏa sự lạc quan ấy đến những người xung quanh.
Năm 2010, khi cuộc sống bắt đầu trở nên ổn định hơn, cô Thanh Hương đã quyết định tìm lại niềm đam mê với thư pháp. Tuy nhiên, lần này cô được học một cách bài bản hơn, nhờ duyên lành cô được một bậc thầy Tâm thư pháp nhận làm học trò. Cô được thầy truyền dạy cả đạo và đời qua từng con chữ. Từ đây, cô đã bắt đầu hành trình “gieo con chữ, gặt yêu thương” suốt gần 10 năm nay.
Hành trình tìm lại niềm đam mê với Tâm thư pháp
Tâm sự cùng cô Thanh Hương về câu chuyện theo đuổi trường phái Tâm thư pháp của mình, tôi chợt nhớ đến một câu nói của Nhà văn Hamlet Trương: “Rượu ngâm lâu năm thì vị càng nồng đượm…Tâm hồn người đi qua dâu bể thời gian, càng tích tụ vẻ đẹp hút hồn, mê đắm…”. Có lẽ cũng bởi chính những thăng trầm trong cuộc đời, cô Thanh Hương đã bén duyên với trường phái Tâm thư pháp. Những người theo trường phái này thường sẽ là những người đã trải qua sương gió cuộc đời, bởi nó đòi hỏi sự bình lặng nhưng sâu sắc, mềm mại nhưng lại không thiếu những nét chấm phá riêng biệt. Những chữ viết tưởng chừng đơn giản nhưng là dụng tâm của người viết và cách hiểu loại thư pháp này cũng có phần đặc biệt hơn. Tùy vào từng người, từng ngành nghề mà người xem sẽ nhìn nhận ra những biểu tượng và ý nghĩa khác nhau.
Đến với Tâm thư pháp, cô Thanh Hương cảm nhận cuộc đời trở nên nhẹ nhàng và tươi đẹp hơn rất nhiều. Mọi hỷ nộ ái ố đều trở thành gia vị trong cuộc sống mà chẳng phải là điều gì quá đáng sợ. Cô Thanh Hương chia sẻ: “Thư pháp dạy cô sống một cuộc đời tốt đẹp hơn, cô không còn cảm thấy đau khổ với những điều bất hạnh. Cô biết học cách chấp nhận và hài lòng với mọi thứ mình có”. Và cũng chính nhờ Tâm thư pháp, cô Thanh Hương đã có thêm cơ hội để trở thành “Bà đồ hào phóng”.
“Bà đồ hào phóng” chỉ tặng chữ chứ không bán
Đối với bà đồ Thanh Hương, từ “Thuận” chính là châm ngôn sống mà cô luôn theo đuổi. Ở bức thư pháp mà cô họa ở trên, nếu nhìn theo một cách khác, từ “Thuận” được tạo ra từ hai từ “thụ” và “ân”. Khi được hỏi ý nghĩa của từ này, cô Thanh Hương mỉm cười và giải thích rằng, bản thân mỗi chúng ta từ khi sinh ra đã được thụ hưởng, thụ hưởng chính là nhận được tình yêu thương của cha mẹ, gia đình, tổ quốc, từ mọi thứ xung quanh trong cuộc sống này. Chính vì thế, chúng ta cần phải biết ơn, trân trọng và tri ân những điều mình thụ hưởng. Chỉ khi chúng ta làm được điều đó, mọi chuyện ắt sẽ thuận lợi; thuận hòa trong gia đạo; thuận lợi trong công việc và nụ cười sẽ luôn nở trên môi như nét chấm phá, cách điệu dấu chấm tựa một nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc trên tác phẩm của cô.
“Có ít thì cho ít, có nhiều thì cho nhiều, chỉ cần dùng chân tâm đối đãi thì ắt sẽ nhận lại những điều tốt đẹp”. Đó chính là những gì cô Thanh Hương luôn nghĩ khi bắt đầu hành trình cho chữ của mình mặc dù hoàn cảnh gia đình cũng còn khá nhiều khó khăn.
Xuất phát từ một người đam mê thư pháp nhưng không có đủ điều kiện kinh tế để theo đuổi, cô Thanh Hương rất hiểu cho nỗi lòng của những người giống như mình. Chính vì thế, cô lựa chọn viết thư pháp để tặng chứ không bán.
Đều đặn gần 10 năm nay, cô thường ngồi tặng chữ ở những con phố sách, những phiên chợ họp mặt dịp tết, ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và cả ở trường học, các ngôi chùa hay hội nghị lớn. Đôi khi, một số chương trình từ thiện muốn đấu giá gây quỹ, bà đồ Thanh Hương cũng sẵn sàng để viết tặng làm vật đấu giá.
Với đồng lương ít ỏi và căn hộ thuê ở cùng con gái, kinh tế gia đình cũng chỉ tương đối ổn định nhưng cô Thanh Hương lại vui vẻ dùng khoản thu nhập tự kiếm của bản thân để mua giấy xuyến, mực đen viết tặng cho tất cả mọi người. Với cô Thanh Hương, “niềm vui của những người nhận được chữ cô tặng cũng chính là niềm vui và là lẽ sống của cô”. Cô luôn mong muốn lan tỏa những điều tích cực và lối sống tốt đẹp đến tất cả mọi người bằng những bức thư pháp được vẽ ra từ chân tâm của cô.
Bà đồ Thanh Hương luôn tin rằng: “Hãy cứ sống và cho đi từ tận đáy lòng rồi chúng ta sẽ lại nhận được những điều tốt đẹp bằng cách này hay cách khác. Thư pháp cũng vậy, chỉ cần xuất phát từ tâm thì chắc chắn nó đã rất đẹp, một vẻ đẹp đặc biệt mà chỉ có thể dụng tâm để cảm nhận”.
Kim Ngân
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin thewoman.vn.
Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.thewoman@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!