Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở Thỏa thuận, Hợp đồng đã ký giữa các Bên và quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Xem thêm >>> SẮP DIỄN RA LỄ CÔNG BỐ THƯƠNG HIỆU VÀNG VIỆT NAM 2022 TẠI HÀ NỘI
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa có văn bản về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Khai thác, huy động trên cơ sở đã thỏa thuận
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở Thỏa thuận, Hợp đồng đã ký giữa các Bên và quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6015/BCT-ĐTĐL ngày 4/10/2022 về việc tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện giờ chuyển tiếp.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 316/TB-VPCP ngày 5/10/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.
Do đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5047/VPCP-CN ngày 09/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Doanh nghiệp mất khả năng cân đối trả nợ vay
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty Mua bán điện (EVN) đang tiếp tục dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá (172 MW/450 MW) của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam công suất 450 MW (Ninh Thuận).
Doanh nghiệp này cũng chia sẻ, khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, phá vỡ cam kết của Nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải do Trung Nam đầu tư.
Xem thêm >>> DIỄN ĐÀN HỢP TÁC, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – ASEAN VÀ VINH DANH THƯƠNG HIỆU VÀNG ASEAN NĂM 2022 TẠI SINGAPORE
Trung Nam cũng cho rằng, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam từ trước đó.
Theo Báo Chinhphu.vn
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin thewoman.vn.
Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.thewoman@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!