Đối tượng thường mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Số người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch ngày càng tăng, do đó bạn cần lưu ý các đối tượng dễ mắc phải bệnh lý này để điều trị kịp thời.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh mạn tính phổ biến ở cả người trẻ và người lớn tuổi. Dấu hiệu nhận biết của bệnh là những đường mạch máu nổi ngoằn ngoèo dưới da. Lúc này, bệnh nhân có thể đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Khi bệnh lâu ngày và trở nặng, suy giãn tĩnh mạch còn mang đến nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tắc tĩnh mạch. Ngoài yếu tố di truyền, bệnh cũng có thể xảy ra với các đối tượng sau:

Phụ nữ mang thai

Nhiều phụ nữ nhận thấy chứng suy giãn tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng hơn khi họ mang thai. Nguyên nhân được các chuyên gia nhận định là do quá trình sinh nở đã làm cổ tử cung mở rộng và gây áp lực lên tĩnh mạch chi dưới. Tuy nhiên, bệnh lý này không gây rủi ro cho mẹ và bé. Đặc biệt hơn, suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn có xu hướng cải thiện hơn sau khi sinh nếu trước đó chúng chưa xuất hiện.

Hướng điều trị được bác sĩ khuyến cáo trong trường hợp này là nằm nghiêng về bên trái. Tư thế ngủ này dành cho các bà bầu sẽ giúp giảm áp lực từ tử cung lên tĩnh mạch. Ngoài ra, đối tượng này cũng nên cố gắng giữ phạm vi cân nặng được khuyến nghị trong giai đoạn mang thai.

Thừa cân, béo phì

Không chỉ gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, thừa cân còn là nguy cơ đưa bạn đến với căn bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nguyên nhân là do khối lượng cơ thấp và lượng mỡ cao trong cơ thể đã làm giảm sự hỗ trợ cho các tĩnh mạch. Theo thời gian, áp lực trong các tĩnh mạch bị rò rỉ có thể gây tổn thương da ở cẳng chân. Nguy hiểm hơn, người thừa cân còn khó phát hiện bệnh tình vì các tĩnh mạch không thể nổi trên bề mặt da.

Hướng điều trị: nên duy trì cân nặng hợp lý ở mọi độ tuổi; kiểm soát cân nặng bằng cách tập thể dục và ăn nhiều chất xơ và vitamin, đặc biệt là vitamin C.

Xem thêm >>> 6 THÓI QUEN TIẾT LỘ BẠN UỐNG NƯỚC KHÔNG ĐÚNG CÁCH

gian tinh mach 1
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ảnh: Shutterstock.

Thường đứng và ngồi quá lâu

Khi bạn đứng lên hoặc ngồi xuống, trọng lực sẽ kéo máu dồn xuống chân và bàn chân. Do đó, nếu chúng ta ngồi hoặc đứng liên tục trong khoảng thời gian dài sẽ khiến máu đọng lại ở chân và bàn chân, từ đó khiến tĩnh mạch bị viêm và tiến triển thành bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Hướng điều trị: Nếu công việc đòi hỏi bạn phải thường xuyên đứng trên đôi chân của mình, hãy cân nhắc việc mang vớ y khoa. Thỉnh thoảng, hãy chạy tại chỗ, hoặc đứng nhón gót chân 15 – 20 lần.

Người trên 50 tuổi

Nhiều nghiên cứu cho thấy suy giãn tĩnh mạch thường phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi. Nguyên nhân do sự lão hóa đã làm hao mòn các van tĩnh mạch. Các van này có nhiệm vụ điều hòa lưu lượng máu nhưng theo thời gian chúng bị yếu dần và khiến máu chảy ngược lại vào tĩnh mạch.

Hướng điều trị: Vận động thường xuyên và tập các bài tập tốt cho việc lưu thông máu vùng chân như yoga, đi bộ. Khi ngủ, hãy cố gắng kê chân lên cao mọi lúc. Tư thế này giúp làm giảm nguy cơ huyết khối ở chân.

(Vnexpress)

Rate this post