Ninh Bình: Phát huy vai trò hạt nhân di sản Tràng An

Những năm qua, Ninh Bình đặc biệt quan tâm, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An. Danh hiệu di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển một cách bền vững và có trách nhiệm trong vấn đề này.

0909ninhbinh 1662995730785 16629957316591543957650 1 1024x576 1

Thời điểm lập hồ sơ đề cử danh hiệu di sản vào năm 2012, Tràng An chỉ có trên 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, Tràng An đã thu hút được hơn 6,3 triệu lượt khách. Số lao động trực tiếp đạt trên 10 nghìn người, lao động gián tiếp khoảng 20 nghìn người. Du lịch phát triển đã mang lại cơ hội việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương.

Việc Tràng An được UNESCO vinh danh đã mang lại cho du lịch Ninh Bình một cơ hội và một diện mạo mới. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản. Tỉnh đã có nhiều chiến lược quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển dịch vụ du lịch. Nổi bật là Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự đi vào cuộc sống, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, văn hóa, quảng bá rộng khắp đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi đang tập trung tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới sẽ lập điều chỉnh quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển du lịch. Rà soát, cập nhật và hoàn thiện các quy định, quy chế của quản lý bảo tồn di sản. Xây dựng các chương trình du lịch gắn với bảo tồn di sản, gắn với phát triển bền vững, trong đó tập trung lấy người dân làm trung tâm, lấy người dân làm chủ thể của di sản để xây dựng các loại hình du lịch vừa gắn với di sản vừa đảm bảo sinh kế cho người dân”.

Tuy nhiên, Tràng An là một di sản “sống” với 44 nghìn người dân đang sinh sống, trong đó vùng lõi có trên 14 nghìn người. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ di sản gắn với phát triển du lịch luôn đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi cần quan tâm làm tốt.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Cái đáng nói nhất là chúng ta còn thiếu sự liên kết. Sự liên kết vĩ mô giữa các tỉnh và kể cả quốc tế, vi mô là giữa các ngành với nhau tạo nên sự hoạt động của du lịch, giữa doanh nghiệp khác nhau, giữa những lợi ích khác nhau. Nếu chúng ta làm được hài hòa cái đó thì nó sẽ phát triển bền vững.

Xem thêm >>> DIỄN ĐÀN HỢP TÁC, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – ASEAN VÀ VINH DANH THƯƠNG HIỆU VÀNG ASEAN NĂM 2022 TẠI SINGAPORE

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đã đón được gần 1,8 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 18 nghìn lượt khách quốc tế. Phát huy vai trò hạt nhân của di sản đã dần được hiện thực hóa, đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Rate this post